Viện nguyên lão của Vương quốc La Mã Viện_nguyên_lão_La_Mã

Viện nguyên lão của Vương quốc La Mã là một thể chế chính trị ở Vương quốc La Mã cổ đại. Từ Thượng viện (senate) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Latinh senex có nghĩa là "trưởng lão", như vậy cả cụm từ mang nghĩa "Hội đồng trưởng lão". Những người Ấn-Âu thời tiền sử định cư ở nước Ý nhiều thế kỷ trước khi Roma thành lập năm 756 TCN[2] đã tổ chức thành các liên minh bộ lạc,[3] và những liên minh này thường có một hội đồng những người quý tộc lớn tuổi trong bộ lạc.[4]

Các dòng họ La Mã thời kỳ đầu được gọi là một gens (thị tộc) hay clan (gia tộc),[3] và mỗi thị tộc là một tập hợp các gia đình sống dưới sự đứng đầu của một tộc trưởng được gọi là Pater (tiếng Latinh của từ "cha").[5] Các gens này được tập hợp để hình thành một hội đồng chung, và patres được chọn từ các thị tộc danh tiếng [6] vào hội đồng liên minh các trưởng lão (những gì sẽ trở thành Viện nguyên lão La Mã).[5]. Theo thời gian, patres nhận ra một nhu cầu tất yếu là cần phải có một người lãnh đạo duy nhất, vì vậy họ đã bầu ra vua (rex),[5] và giao cho ông quyền lực tối cao.[7] Khi nhà vua chết, quyền lực lại quay trở về với patres.[5]


Viện nguyên lão được cho là được thành lập bởi vị vua đầu tiên của La Mã, Romulus, ban đầu gồm 100 người. Hậu duệ của 100 người này sau đó trở thành tầng lớp quý tộc.[8] Vị vua thứ 5, Lucius Tarquinius Priscus chọn thêm 100 người nữa. Họ được chọn từ các thị tộc nhỏ hơn, được gọi là gentium minorum[9]

Vị vua thứ 7 và cũng là cuối cùng của La Mã, Lucius Tarquinius Superbus bị trục xuất bởi những người đứng đầu Viện nguyên lão; Viện không được thay thế và quy mô bị thu hẹp. Tuy nhiên vào năm 509 TCN, hai quan chấp chính đầu tiên là Lucius Junius BrutusPublius Valerius Publicola chọn những người đứng đầu tầng lớp kỵ sĩ vào, gọi là các conscripti, do đó làm tăng quy mô của Viện lên đến 300 người[10]

Viện nguyên lão của Vương quốc La Mã nắm ba trách nhiệm chính: nắm quyền hành pháp;[11] có vai trò như một hội đồng cố vấn cho nhà vua; là cơ quan lập pháp của nhân dân La Mã.[1] Trong thời kỳ quân chủ, nhiệm vụ quan trọng nhất của Viện là bầu ra vị vua mới. Nếu nhà vua tự động được nhân dân lựa chọn, những người đó đã thực sự thay thế vai trò Viện nguyên lão.

Thời gian giữa cái chết của vị vua cũ cho đến khi bầu vua mới được gọi là interregnum,[11], trong thời gian này Interrex đề cử một ứng viên thay thế vua cũ.[12] Sau khi được Viện nguyên lão chấp thuận, ông chính thức được nhân dân bầu, và được tuyên bố bởi Viện.[12] Duy nhất một vua, Servius Tullius, được bầu bởi một mình Viện nguyên lão, không phải bởi người dân.[13]

Ngoài ra một nhiệm vụ quan trọng khác của Viện nguyên lão là làm một hội đồng cố vấn cho nhà vua.Nhà vua có thể bác bỏ những đề nghị của Viện, nhưng uy tín ngày càng tăng của Viện nguyên lão khiến nhà vua càng trở nên khó khăn trong việc bác bỏ các quyết nghị. Về cơ bản Viện cũng có thể soạn thảo ra luật mới, mặc dù thật không đúng lắm khi xem những quyết nghị của Viện là "pháp luật" theo nghĩa hiện đại. Chỉ có nhà vua mới có thể ra được luật mới, mặc dù ông cũng tham gia vào cả Viện nguyên lão lẫn Đại hội Curia (Đại hội Nhân dân).[1]